Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

Làm Báo-báo phải làm !

Làm phóng viên các loại hình báo chí có nhiều cái khổ khác nhau, nhưng theo tôi, có lẽ làm phóng viên truyền hình là vất vả nhất. Vô vàn chuyện hậu kỳ để hình thành sản phẩm cuối cùng cho người xem thưởng thức. Cái khổ của hậu kỳ, thôi thì không nói ở đây. Chỉ nói chuyện những nhân vật trong các phóng sự truyền hình mà tôi gặp dưới đây. Những nhân vật này đã, đang và sẽ “ làm khổ” các nhà báo hình theo nhiều cách khác nhau.
“Nói sao phải để nguyên vậy”
Trong một lần thực hiện phóng sự nói đến tình trạng người dân không ý thức, vứt rác thải bừa bải ở gần khu công nghiệp nọ, ảnh hưởng đến chính người dân vùng này. Do đó chúng tôi cần phỏng vấn ông chủ tịch xã ở địa bàn. Nội dung phóng vấn chỉ xoay quanh vấn đề làm thế nào giải quyết tình trạng vứt rác thải ở khu vực nêu trên. Cuộc phỏng vấn tương đối thành công. Các ý trong phỏng vấn đều phù hợp với chủ đề bài viết. Khi dựng phóng sự tôi thầm khen ông chủ tịch xã này nói rất tốt.
Bẵng đi một thời gian. Tôi cùng hai đồng nghiệp khác đi làm phóng sự về kinh tế trang trại của một hộ nông dân tại xã này. Sau một ngày làm việc ở trang trại, chúng tôi quay về UBND xã để phỏng vấn ông chủ tịch với mong muốn cái nhìn khách quan về mô hình kinh tế đáng được nhân rộng ở các địa phương hiện nay. Bước vào trụ sở UBND xã, chúng tôi được tiếp đón bằng một thái độ lạnh nhạt chưa từng có. Chỉ thấy lạ, nhưng chưa hiểu vì sao. 5h chiều, sau khi đợi hơn 2 tiếng đồng hồ, trời lúc này cũng đã ngã sang màu xám. Cuộc họp của ông chủ tịch cũng đã xong. Tôi rất mừng vì cuối cùng cũng gặp được vị chủ tịch xã trả lời phỏng vấn mà mình thích.
Nhưng thật bất ngờ. Khi thấy tôi, ông ta không chút để tâm tới. Tự nhiên trong đầu có linh cảm mình đã làm điều gì không phải với ông ta. Khi tôi đề cập đến việc trả lời phỏng vấn, ông chủ tịch tìm mọi cách lẫn tránh. Nói thế nào cũng không được. Tôi quyết định hỏi thẳng là tại sao vấn đề đơn giản như thế này mà ông lại từ chối. Tôi có làm ông phật lòng chuyện gì chăng? Sau một lúc quanh co,ông ta nói tuột ra : “ Hôm trước cái phóng sự rác thải môi trường, anh cắt hết lời tôi nói.” “Thế ông muốn phải như thế nào?”- Tôi hỏi lại. Ông chủ tịch phán luôn một câu: “Tôi nói sao phải để nguyên vậy”. Trời đất ơi, lần đầu tiên tôi gặp một người trả lời phỏng vấn có sự đòi hỏi hết sức kỳ cục và vô lý đến như vậy. Tôi thất vọng vô cùng khi thấy nhân vật của mình vừa khen hôm trước, hôm nay là một người tầm cở Chí Phèo. Nếu phóng viên báo hình mà gặp những “Phí Phèo con” này chắc không sớm thì muộn cũng bị mời nghỉ việc. Vậy mà ông này còn đe doạ viết đơn khiếu nại lên đài vì cái tội cắt bớt lời của ông ta. Thật hết biết!

“Đứng về phía nào ?”

Sau khi nhận được đơn của một số hộ dân khiếu nại một doanh nghiệp tự ý khai thác cát ở sông Trà Bồng thuộc địa bàn xã Bình Chương, tôi cùng một phóng viên trẻ mới vào nghề quyết định làm phóng sự để bảo vệ người dân ở đây. Trước khi đi chúng tôi cũng đã bàn với biên tập ở cơ quan về vấn đề đề cập đến. Tới nơi, sự việc quay ngoắc 180 độ. Thực ra, doanh nghiệp kia là đơn vị được UBND tỉnh ra quyết định cho khai thác cát ở khu vực này. Thời điểm chúng tôi xuống làm việc, cũng là thời hạn mà UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp kia khai thác cát vừa chấm dứt. Như vậy, suốt một năm qua doanh nghiệp này vẫn chưa khai thác được một hạt cát nào. Nhưng để được cấp phép khai thác tại khu vực này, yêu cầu của người dân là doanh nghiệp phải làm đường, làm cầu. Trước hết là để người dân đi lại, sau đó dễ dàng hơn trong việc vận chuyển. Doanh nghiệp đầu tư hơn 100 triệu đồng để làm đường làm cầu, nhưng cát vẫn không được khai thác. Cầu và đường lúc này tạo thuận lợi cho những người dân có xe cọc cạch ở đây khai thác. Hoá ra, lá đơn gửi về Hộp thư truyền hình của Đài PTTH là của một số người dân khai thác cát ở đây. Họ đã làm sai mà vẫn lớn tiếng là nhà nước bán đất cho doanh nghiệp.
Sau khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi quyết định thay đổi hướng phóng sự. Đó là bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ cái đúng. Phê phán cái sai, cái xấu. Phải đứng về phía doanh nghiệp.
Phóng sự viết xong. Sự thật đã rõ. Thế nhưng ... phóng sự được chìm vào yên lặng.
Đến lúc này, chúng tôi vẫn không hiểu vì sao? Đạo đức nghề báo không cho phép anh nói sai sự thật cơ mà.
Chúng tôi phải đứng về phía nào đây ?

“Nhà báo nói quá nên sợ”
Gần cuối năm. Tôi cùng phóng viên Văn Ngoan làm phóng sự về xoá đói giảm nghèo của huyện Bình Sơn. Chúng tôi xuống Bình Châu, tìm đến một nông dân trẻ có mô hình nuôi cá tràu rất quy mô. Được ông chủ tịch xã trực tiếp dẫn đi. Khi đề cập đến việc quay phim và trả lời phỏng vấn, chủ nhà cương quyết không hợp tác. Tôi không hiểu tại sao, gặn hỏi mãi, người nhà mới nói thật. Do vừa rồi có vài phóng viên, vừa báo nói báo viết có xuống tìm hiểu để viết bài. Nhưng khi bài báo được in ra, cả nhà mới tá hoả. Vì muốn nhân vật của mình làm được điều phi thường hơn thực tế, nên các tác giả đã nói quá sự thật. Điều này thật tai hại cho chúng tôi. Vì những đồng nghiệp tới trước đã làm cho nhân vật mà chúng tôi chọn quá hoảng sợ. Họ cứ nghĩ, chúng tôi cũng giống các ông nhà báo trước, sẽ nói sai sự thật nên nhất quyết không hợp tác. Thôi thì chấp nhận từ bỏ nhân vật mà mình chọn để đi tìm một nhân vật khác. Nhưng có lẽ sẽ không thuyết phục người xem khi nhân vật điển hình trên truyền hình không phải là nhân vật điển hình ngoài đời thật.
Vậy đó. Lúc rảnh rỗi, ngẫm chuyện làm báo thấy nhiều điều mà phóng viên phải đương đầu, cho dù đó là phóng viên của thể loại báo nào đi chăng nữa. Đúng là: Làm báo- báo phải làm!
NPT

Không có nhận xét nào: