Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2008

SỐNG THẬT- SỐNG GIẢ

Ta ngộ nhận sự thật. Đừng nghĩ ta sống thật lại được người thương. Ta sống thật sẽ nhận được ghét nhiều hơn.
Sống thật với những gì mình nghĩ, mình làm. Điều đó không đúng sao?
Ta nghiệm ra rằng: sống ở đời đâu nhất thiết phải sống thật đâu. Chẳng lẽ, cứ phải giả giả, cứ phải nịnh nịnh một chút thì được mọi người thương hay đồng tình nhất trí với ta. Nghĩ thì như vậy, nhưng trong lòng trăn trở. Nếu mình làm điều đó thì mình không phải mình. Nếu mình sống thật thì mình bị ghét. Trời đất, biết phải sống sao cho phải đây.
Một bậc tiền bối của Trung Quốc có nói rằng: khôn cũng chết, dại cũng chết chỉ thằng biết là sống. Có lẽ trong trường hợp này hoàn toàn đúng. Nhưng đạo lý ở đời luôn vẫn đề cao cái chân thật cái đúng... nhất là sống thật.
Nhìn thấy cảnh nịnh bợ trơ trẽn, mình vẫn không thể kìm nén được. Vẫn buộc miệng nói ra những lời khó chịu cho những kẻ nịnh bợ. Điều này gây khó chịu khủng khiếp. Nhưng xét cho cùng, đó cũng là “chỉ số thông minh” của họ cơ mà.
nguyenphuoctrung

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2008

Những trang giấy trắng

Một buổi chiều muộn, khi những ánh hoàng hôn cuối cùng vừa tắt, trên bờ biển vắng, một cô gái trẻ một mình dạo bước trên cát với đôi bàn chân không. Cô dừng bước, quay nhìn đằng sau với ý muốn xem lại những dấu chân mình đã để lại trên cát. Nhưng không có gì, sóng đã xóa sạch. Cô định đi tiếp, song vừa quay lại cô đã phải giật mình hoảng hốt vì hình ảnh trước mặt: bên một đống lửa đang cháy, một bà già ngồi cuộn mình trong chiếc mền, chậm rãi lật từng trang một cuốn sách.

Cô gái cố trấn tĩnh, tiến lại gần bà lão và hỏi: "Bà từ đâu tới? Chỉ mới đây thôi, cháu không hề thấy bà? Bà làm cách nào mà đã nhóm được đống lửa này một cách nhanh chóng như vậy?". Với giọng nói chậm rãi và rõ ràng, bà lão đáp, không nhằm vào câu hỏi của cô gái: "Hãy ngồi xuống đây với ta, con gái. Ta có cái này cho con xem".

Cô gái ngồi xuống bên đống lửa, đón nhận cuốn sách từ tay bà lão thần bí. Cô tò mò lật giở cuốn sách và vô cùng sửng sốt khi đọc thấy những dòng chữ viết về cuộc đời mình, về tất cả những gì diễn ra với cô từ khi mới sinh ra cho đến lúc này. Cô đã đọc hết trang sách viết về cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa mình và bà lão bên đống lửa trên bãi biển vắng này. Lật sang trang tiếp theo, nhưng nó là trang giấy trắng. Cô vội vã tìm kiếm ở những trang còn lại, nhưng cũng không có một chữ nào, chúng hoàn toàn là những trang giấy trắng. Vô cùng hoang mang, với ánh mắt cầu cứu, cô nhìn bà lão:

- Điều này có nghĩa là cuộc đời cháu sẽ kết thúc tại đây, ngay lúc này?

- Không, con gái. Nó có nghĩa là từ đêm nay, cuộc sống của con mới bắt đầu.

Trong chốc lát, bà lão cầm lại cuốn sách, bắt đầu xé từng trang, từ trang đầu tiên với những dòng chữ về cuộc đời cô gái từ khi mới được sinh ra, đưa chúng về phía ngọn lửa, để cho lửa liếm cho đến lúc thành than. Bà lão đốt cho đến hết những trang giấy có chữ mà cô đã đọc. Xong xuôi, bà đưa cho cô gái phần còn lại của cuốn sách, toàn bộ là những trang giấy trắng:

- Con xem, sóng đã xóa hết dấu chân của con trên cát. Quá khứ của con không bao giờ trở lại, không bao giờ. Chỉ có hiện tại mới là thực tế. Mỗi khoảnh khắc hiện tại đều là một sự bắt đầu của cuộc đời con và chính là cuộc sống mà con cần nắm giữ. Không có sự trở lại lần thứ hai, mỗi giây phút hiện tại. Quan trọng hơn tất cả, mỗi ngày mới đều mang đến cho con một cơ hội để yêu, để sống và cơ hội đó không bao giờ trở lại lần thứ hai. Tương lai của con, con được tự do lựa chọn theo ước mơ của chính con. Và trên những trang giấy còn trắng này, chính con là người viết tiếp những dòng chữ về cuộc đời con.

Rồi, cũng đột ngột như khi xuất hiện, bà lão cùng đống lửa biến mất trong bóng đêm...

Cuộc đời của bạn và của tôi cũng giống như cô gái trẻ nọ và tất cả mọi người - quá khứ là những gì chúng ta đã viết trên cát, sóng sẽ xóa đi tất cả; tương lai là những gì chính ta sẽ viết trên những trang giấy trắng, từ hôm nay, ngay giờ phút hiện tại này. Viết gì đây, cho cuộc đời của chính mình…

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2008

Những gì mình đang có- đó là hạnh phúc

Đêm qua, khi xem chương trình Người đương thời trên VTV3 mình cảm phục người phụ nữ tên Tiểu Hương. Một người phụ nữ nhỏ nhắn mà tràn đầy sức mạnh và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Đắng cay chồng chất trong cuộc đời mà vẫn vượt qua. Tiểu Hương đã lấy tình yêu thương thật sự trong trái tim mình để chinh phục những điều ác.
Trên cuộc đời này còn nhiều người bất hạnh, nếu họ xem được Tiểu Hương qua chương trình này, chắc họ sẽ có nghị lực vượt qua tất cả để sống.
Như chính mình đây, đôi khi lại quá than vãn về cuộc sống hiện tại mà quên mất trong cuộc đời còn nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn, cần phải được giúp đỡ hơn... Qua cuộc đời của Tiểu Hương, mình cũng cần ngẫm lại những gì mình đang làm và đang sống.
Hạnh phúc là những gì mình đang có.
Những gì mình đang có đã là hạnh phúc nhất rồi.
NFT

Không đề


Ta yêu nhau như chưa từng được yêu.
Và say như không bao giờ tỉnh.
Nhưng rồi....
thời gian chợt tắt.
kéo ta về trở lại với hư không.
tình yêu rồi chợt mất... để thời gian trôi đi.
Đến bây giờ... chỉ là khoảng trống mênh mông.
NFT

Có phải nơi nghỉ của du khách


Có lẽ, nơi nghỉ ngơi này hợp với ông khách ma men chăng ? Một cảnh đẹp của thành phố bị người đàn ông này đánh mất.
Nhưng biết nói làm sao, khi chính quyền thành phố có quy định là không được ngủ ở đây đâu.
Vọng lầu này thật đẹp và thuận tiện khi ngắm hồ Xuân Hương từ đây.
Không biết chính quyền thành phố đà lạt nhìn được hình ảnh này sẽ suy nghĩ như thế nào.
Riêng mình thì không chấp nhận được.

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2008

Cuộc nhậu tàn


2 anh em say sưa nói chuyện với nhau về chuyện đời, chuyện nghề... không hay biết Toàn mò từ đâu về và ngồi xem tivi thấy thảm cảnh quá.
Thấy nó là không thể nhậu được nữa.
Đành phải dừng cuộc chơi ở đây.
Nhưung có thể đây là cuộc nhậu cuối cùng của 3 thằng trên xứ hoa anh đào nổi tiếng này.
Sẽ còn rất nhiều kỉ niệm về 4 năm cùng ăn cùng ở cùng học bên nhau... ở Đà Lạt. Rảnh rỗi viết tiếp....
Các bạn hãy tham gia cùng tôi nhé.
NFT

Cuộc nhậu gần cuối


Đến một lúc sau, thằng Toàn biến mất tiêu.
Thôi, còn lại 2 anh em ngồi nhậu cũng đẹp vậy. Chắc nó trốn tiệt ở xó xỉnh nào của đà lạt rồi.
Hai thằng vẫn cụng ly ấm ầm.....

Cuộc nhậu cuối


Lúc đầu 3 thằng say sưa chúc nhau. Thằng Toàn hào hứng lắm, nó quyết định chơi tới bến hôm nay.

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

Lần gặp cuối

Bạn ơi!
Hôm nay, mình và Toàn và Vinh ngồi nói chuyện với nhau, đúng hơn là nhậu với nhau và có thêm cô giáo dạy khoa môi trường tên là Ngọc Anh. Trong cuộc nói chuyện, NGọc Anh ngỡ ngàng trong cách trình bày và diễn đạt về đề tài của những người làm truyền hình. Chỉ có mỗi chuyện là thằng Toàn tìm cách chia cách mình và Vinh để nói chuyện với Ngọc Anh. Ngọc Anh rất là đà lạt, tuyệt vời. Toàn thì muốn chứng tỏ mình là người biết mọi chuyện và galang theo cách nghĩ của người Pháp, hành động giống người Anh, chơi theo kiểu Mỹ, hút thuốc giống người Việt Nam. Chán ! Đuổi nó về hoài, nhưng không được. Nó nhìn phụ nữ theo cảm nghĩ riêng. Dễ dàng trong cách sống, yêu thương theo cách phươg tây. Nó là vậy đó. Nhưng ( lại nhưng) nó lại là thằng tào lao ( có không vậy Toàn )nhất trong 3 thằng ở lớp. Sâu sắc, nhưng lại dễ dãi.
Toàn lại tức mình vì không thể nói chuyện với mình bằng lý lẽ thực thụ.
Nói chuyện với thằng này chắn lắm. Đành phải chấp nhận thôi.
Chỉ có Vình, thằng em tuyệt với, biết cách chiều chuộng phụ nữ và được phục nữ thương hơn, thích hơn.
Đang viết bài thì thằng Toàn nói xấu mình về chuyện xem tài liệu lúc làm bài kiểm tra thuộc đẳng cấp sư phụ. Điều này hoàn toàn sai.
Nói gì thì nói, thằng nào nói nhiều thì thằng đó làm ít.
Thực tế đã chứng mình điều này. Thằng Toàn là thằng hơi tào lao.
Tội nghiệp thằng Toàn.
Cô giáo Ngọc Anh chưa có chồng, ngồi gồng mình nghe mấy thằng uống rượu nói chuyện trên trời dưới biển. Chịu không nổi, đành về trước.
Thôi để gặp Ngọc Anh dịp khác nói chuyện nhiều hơn.
Ngọc Anh về. Câu chuyện có vẻ trầm xuống.
Không có phụ nữ là mấy thằng đàn ông ngồi nói chuyện thấy chán.
22h. Rời quán cà phê Trung Nguyên trên đường Phù Đổng Thiên Vương- Đà lạt.
Tất cả đang ở phía trước.

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

Làm Báo-báo phải làm !

Làm phóng viên các loại hình báo chí có nhiều cái khổ khác nhau, nhưng theo tôi, có lẽ làm phóng viên truyền hình là vất vả nhất. Vô vàn chuyện hậu kỳ để hình thành sản phẩm cuối cùng cho người xem thưởng thức. Cái khổ của hậu kỳ, thôi thì không nói ở đây. Chỉ nói chuyện những nhân vật trong các phóng sự truyền hình mà tôi gặp dưới đây. Những nhân vật này đã, đang và sẽ “ làm khổ” các nhà báo hình theo nhiều cách khác nhau.
“Nói sao phải để nguyên vậy”
Trong một lần thực hiện phóng sự nói đến tình trạng người dân không ý thức, vứt rác thải bừa bải ở gần khu công nghiệp nọ, ảnh hưởng đến chính người dân vùng này. Do đó chúng tôi cần phỏng vấn ông chủ tịch xã ở địa bàn. Nội dung phóng vấn chỉ xoay quanh vấn đề làm thế nào giải quyết tình trạng vứt rác thải ở khu vực nêu trên. Cuộc phỏng vấn tương đối thành công. Các ý trong phỏng vấn đều phù hợp với chủ đề bài viết. Khi dựng phóng sự tôi thầm khen ông chủ tịch xã này nói rất tốt.
Bẵng đi một thời gian. Tôi cùng hai đồng nghiệp khác đi làm phóng sự về kinh tế trang trại của một hộ nông dân tại xã này. Sau một ngày làm việc ở trang trại, chúng tôi quay về UBND xã để phỏng vấn ông chủ tịch với mong muốn cái nhìn khách quan về mô hình kinh tế đáng được nhân rộng ở các địa phương hiện nay. Bước vào trụ sở UBND xã, chúng tôi được tiếp đón bằng một thái độ lạnh nhạt chưa từng có. Chỉ thấy lạ, nhưng chưa hiểu vì sao. 5h chiều, sau khi đợi hơn 2 tiếng đồng hồ, trời lúc này cũng đã ngã sang màu xám. Cuộc họp của ông chủ tịch cũng đã xong. Tôi rất mừng vì cuối cùng cũng gặp được vị chủ tịch xã trả lời phỏng vấn mà mình thích.
Nhưng thật bất ngờ. Khi thấy tôi, ông ta không chút để tâm tới. Tự nhiên trong đầu có linh cảm mình đã làm điều gì không phải với ông ta. Khi tôi đề cập đến việc trả lời phỏng vấn, ông chủ tịch tìm mọi cách lẫn tránh. Nói thế nào cũng không được. Tôi quyết định hỏi thẳng là tại sao vấn đề đơn giản như thế này mà ông lại từ chối. Tôi có làm ông phật lòng chuyện gì chăng? Sau một lúc quanh co,ông ta nói tuột ra : “ Hôm trước cái phóng sự rác thải môi trường, anh cắt hết lời tôi nói.” “Thế ông muốn phải như thế nào?”- Tôi hỏi lại. Ông chủ tịch phán luôn một câu: “Tôi nói sao phải để nguyên vậy”. Trời đất ơi, lần đầu tiên tôi gặp một người trả lời phỏng vấn có sự đòi hỏi hết sức kỳ cục và vô lý đến như vậy. Tôi thất vọng vô cùng khi thấy nhân vật của mình vừa khen hôm trước, hôm nay là một người tầm cở Chí Phèo. Nếu phóng viên báo hình mà gặp những “Phí Phèo con” này chắc không sớm thì muộn cũng bị mời nghỉ việc. Vậy mà ông này còn đe doạ viết đơn khiếu nại lên đài vì cái tội cắt bớt lời của ông ta. Thật hết biết!

“Đứng về phía nào ?”

Sau khi nhận được đơn của một số hộ dân khiếu nại một doanh nghiệp tự ý khai thác cát ở sông Trà Bồng thuộc địa bàn xã Bình Chương, tôi cùng một phóng viên trẻ mới vào nghề quyết định làm phóng sự để bảo vệ người dân ở đây. Trước khi đi chúng tôi cũng đã bàn với biên tập ở cơ quan về vấn đề đề cập đến. Tới nơi, sự việc quay ngoắc 180 độ. Thực ra, doanh nghiệp kia là đơn vị được UBND tỉnh ra quyết định cho khai thác cát ở khu vực này. Thời điểm chúng tôi xuống làm việc, cũng là thời hạn mà UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp kia khai thác cát vừa chấm dứt. Như vậy, suốt một năm qua doanh nghiệp này vẫn chưa khai thác được một hạt cát nào. Nhưng để được cấp phép khai thác tại khu vực này, yêu cầu của người dân là doanh nghiệp phải làm đường, làm cầu. Trước hết là để người dân đi lại, sau đó dễ dàng hơn trong việc vận chuyển. Doanh nghiệp đầu tư hơn 100 triệu đồng để làm đường làm cầu, nhưng cát vẫn không được khai thác. Cầu và đường lúc này tạo thuận lợi cho những người dân có xe cọc cạch ở đây khai thác. Hoá ra, lá đơn gửi về Hộp thư truyền hình của Đài PTTH là của một số người dân khai thác cát ở đây. Họ đã làm sai mà vẫn lớn tiếng là nhà nước bán đất cho doanh nghiệp.
Sau khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi quyết định thay đổi hướng phóng sự. Đó là bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ cái đúng. Phê phán cái sai, cái xấu. Phải đứng về phía doanh nghiệp.
Phóng sự viết xong. Sự thật đã rõ. Thế nhưng ... phóng sự được chìm vào yên lặng.
Đến lúc này, chúng tôi vẫn không hiểu vì sao? Đạo đức nghề báo không cho phép anh nói sai sự thật cơ mà.
Chúng tôi phải đứng về phía nào đây ?

“Nhà báo nói quá nên sợ”
Gần cuối năm. Tôi cùng phóng viên Văn Ngoan làm phóng sự về xoá đói giảm nghèo của huyện Bình Sơn. Chúng tôi xuống Bình Châu, tìm đến một nông dân trẻ có mô hình nuôi cá tràu rất quy mô. Được ông chủ tịch xã trực tiếp dẫn đi. Khi đề cập đến việc quay phim và trả lời phỏng vấn, chủ nhà cương quyết không hợp tác. Tôi không hiểu tại sao, gặn hỏi mãi, người nhà mới nói thật. Do vừa rồi có vài phóng viên, vừa báo nói báo viết có xuống tìm hiểu để viết bài. Nhưng khi bài báo được in ra, cả nhà mới tá hoả. Vì muốn nhân vật của mình làm được điều phi thường hơn thực tế, nên các tác giả đã nói quá sự thật. Điều này thật tai hại cho chúng tôi. Vì những đồng nghiệp tới trước đã làm cho nhân vật mà chúng tôi chọn quá hoảng sợ. Họ cứ nghĩ, chúng tôi cũng giống các ông nhà báo trước, sẽ nói sai sự thật nên nhất quyết không hợp tác. Thôi thì chấp nhận từ bỏ nhân vật mà mình chọn để đi tìm một nhân vật khác. Nhưng có lẽ sẽ không thuyết phục người xem khi nhân vật điển hình trên truyền hình không phải là nhân vật điển hình ngoài đời thật.
Vậy đó. Lúc rảnh rỗi, ngẫm chuyện làm báo thấy nhiều điều mà phóng viên phải đương đầu, cho dù đó là phóng viên của thể loại báo nào đi chăng nữa. Đúng là: Làm báo- báo phải làm!
NPT

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

Chuyện trên đường

Sáng, trên đường đi làm.
Trời mưa như trút nước.
Tìm chỗ trú tạm bên hè phố.
Gặp cụ già bán xôi với chiếc thúng đội trên đầu to quá khổ.
Bàn tay chỉ còn da bọc xương, nhăn nheo cũ kĩ như ngàn năm tuổi.
Cô gái trẻ đẹp đang chễm chệ trên chiếc xe đắt tiền trên hè phố cạnh tôi.
Cô đưa tay ngoắc cụ bán xôi lại gần.
Trời đổ mưa dữ dội.
- Con mua bao nhiêu ?
- Bà bán cho tui 5 ngàn.
Tay cụ run run vắt nắm xôi đưa cho cô gái.
- Của con đây.
- Thôi tui không mua nữa.
Bà cụ lẵng lặng cất gói xôi vào thúng và đi tiếp.
Cô gái lầm bầm trong miệng: Bán xôi mà tay nhìn thấy gớm ai mà ăn.
Mình đứng chết trân. Sao lại có người như vậy nhỉ !?
Thương quá cụ già ơi !

Nhớ thịt chó Đà Lạt

Nếu ai ăn được thịt chó mà đã từng lên Đà Lạt không nên bỏ qua món thịt chó ở Nam Thiên.
Trời lạnh, cầm cái đùi chó nhấm nháp tưng ngụm rượu gạo thì lòng ấm lắm.
Có lẽ, dalat hợp với rượu và thịt chó hơn nhưng món nhậu khác.
Các bạn hãy làm một chuyến du ngoạn và thưởng thức món thịt chó nhé.
Ngoài ra ĐL còn có thịt tiểu hổ (mèo), món chuột đồng... Chuột đồng đem từ miền tây lên đó. Con nào cũng to và đầy mỡ. ăn cũng được. Nhất là nhậu với rượu ngâm trái xari. Lạ thôi, chứ không ngon mấy.

Nhớ Đà Lạt


Cuối tháng này lên lại Đà Lạt rồi.
Đi chuyến này chắc cũng không thể tập hợp lớp k28 lại được.
Vậy là hơi buồn.
Học với nhau 4 năm, có bao nhiêu kỹ niệm vui buồn, trông sao cho mau hết thời gian học. Nhưng bây giờ có muốn ở đallat cũng không được nữa rồi. Đà Lạt về đêm cũng thú vị lắm. Nhưng người Đà lạt ngủ sớm quá.
Sẽ viết nhiều hơn về đà lạt, nhiều hơn về con người và mảnh đất này.

NGƯỜI VIỆT NAM

Sáng nay ngồi uống cà phê với Anh Tuấn, nói chuyện về người Việt Nam ở nước ngoài. Nghe mà chạnh lòng.
Một số người Việt mình đã quá ranh mãnh, ma quái... đến nỗi khi đi du lịch hay đi công tác đều bị cặp mắt xét nét của người nước ngoài. Họ nghi ngờ người Việt Nam !?
Nghĩ mà xót.

Mưa Quảng Ngãi

Mưa !
Nó tạo cho mình cảm giác buồn lâng lâng.
Ít muốn làm việc.
Công việc cuối năm thì đầy ra đó.
Ngồi nhìn mưa hoài không làm được gì, cho dù đã tự nhủ với lòng là phải làm việc hết mình.
Sao mâu thuẩn quá.